Cuộc đời Gioan_Lasan_Nguyễn_Văn_Vinh

Linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ, Nguyễn Văn Vinh đã tỏ ra có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc và phù hợp với việc tu tập. Linh mục chính xứ Ngọc Lũ là Dépaulis (người Pháp, tên tiếng Việt: Hương) quyết định đưa cậu bé Vinh lên học tại trường Puginier tại Hà Nội.[3]

Năm 1928, ông học tại Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Phú Xuyên, Hà Tây. Hai năm sau, ông được linh mục Dépaulis đưa sang Pháp du học. 5 năm sau, chủng sinh Vinh vào học tại Đại Chủng viện St Sulpice, Paris. Sau 5 năm tu học trên đất Pháp, Nguyễn Văn Vinh được phong linh mục ở Limoges vào ngày 20/6/1940.[1]Lúc này đang xảy ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông quyết định ở lại Pháp để tiếp tục học Văn Khoa và Triết tại Đại Học Sorbone, học sáng tác và hòa âm tại Nhạc viện Quốc gia Pháp. Trong thời gian học tại Pháp, linh mục Nguyễn Văn Vinh vừa học vừa làm việc. Do vị linh mục trẻ có vóc dáng bé nhỏ nên nhiều người Pháp vẫn thường nhầm ông là phụ nữ nên cứ chào: “Bonjour Madame!".[3]

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Văn & Triết tại Sorbone, linh mục Nguyễn Văn Vinh quyết định gia nhập dòng tu khổ hạnh Biển Đức tại Đan Viện Ste Marie. Sau khi thế chiến chấm dứt, ông trở về Việt Nam năm 1947. Giám mục François Chaize - Thịnh, Đại diện Tông Tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Hà Nội quyết định chọn linh mục Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh làm linh mục chánh xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội. Vốn từng là tu sĩ dòng Biển Đức, ông xin giám mục địa phận lập dòng Biển Đức ở Việt Nam nhưng không thành.[1]

Năm 1951, Nhà thờ Lớn Hà Nội tổ chức lễ an táng cho Bernard, con trai tướng De Lattre de Tassigny. Trong thánh lễ, tướng De Lattre yêu cầu đặt ghế của ông trên cung thánh và bắt chuyển ghế của Thủ tưởng Việt Nam Trần Văn Hữu xuống dưới phía lòng nhà thờ. Vì lòng tự trọng dân tộc, danh dự quốc gia, linh mục Nguyễn Văn Vinh không nhượng bộ và hai bên tranh cãi rất gay gắt. Sự việc kết thúc khi thủ tướng Việt Nam Trần Văn Hữu tự nguyện rút lui. Sau sự việc này, nhằm tránh gây căng thẳng, Giám mục Đại diện Tông Tòa Hà Nội Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã thuyên chuyển linh mục Nguyễn Văn Vinh về làm giáo sư tại Tiểu Chủng viện Piô XII, dạy Anh, Pháp văn, âm nhạc, Triết học. Song song với nhiệm vụ này, ông còn giảng dạy Văn và Triết học ở trường Chu Văn An.[3]

Năm 1954, Giám mục Trịnh Như Khuê cho phép linh mục Vinh và linh mục Nhân đưa chủng sinh đi Nam, nhưng cả hai quyết định ở lại với Giáo phận Hà Nội. Vì vậy, Giám mục Khuê bổ nhiệm ông làm linh mục Tổng Đại diện kiêm Hiệu Trưởng trường Dũng Lạc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra chỉ thị phải treo ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh thay cho Thánh Giá ở các lớp học. Hiệu trưởng Vinh quyết định không tuyên đọc chỉ thị và cũng không tháo bỏ Thánh giá, nên năm 1957 trường bị đóng cửa. Do tình trạng thiếu giáo sư, đại học Y khoa Hà Nội đề nghị Giám mục Khuê cử linh mục Vinh đến trường để dạy tiếng La tinh. Ông giảng dạy ở đây cho đến khi thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong một lần ghé thăm trường Y. Khi thấy một linh mục tham gia giảng dạy tại đây, Chu đã nói với đoàn tháp tùng: "Đến giờ này mà còn có linh mục dạy ở Đại học quốc gia ư?". Vài bữa sau, linh mục Vinh bị cho thôi giảng dạy.[1]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gioan_Lasan_Nguyễn_Văn_Vinh http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20091023/2741 http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20110412/9832 https://donghanhonline.com/cuoc-doi-cha-chinh-vinh... https://donghanhonline.com/cuoc-doi-cha-chinh-vinh... https://donghanhonline.com/cuoc-doi-linh-muc-gb-ng... https://donghanhonline.com/linh-muc-nguyen-van-vin... https://saigonnese.wordpress.com/2017/07/03/linh-m... https://thanhcavietnam.net/forum/showthread.php?t=... https://web.archive.org/web/20180828170417/http://... https://web.archive.org/web/20190605122658/https:/...